BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

——————-@ Hợp tác để tồn tại @—————

Cần sửa đổi gì trong luật Đất đai?

Cần sửa đổi gì trong luật Đất đai? – Kỳ 1: Tồn đọng những điểm nhạy cảm
01/03/2012 3:01

Nhìn lại nội dung luật Đất đai 2003 và quá trình 10 năm thi hành, có thể thấy còn tồn đọng một số điểm cần tiếp tục đổi mới nhưng đều thuộc phạm vi nhạy cảm.
Đã thảo luận nhiều nhưng không quyết được nên đành để lại. Đó là những điểm chứa đựng khá nhiều bức xúc thực tế. Thứ nhất là vấn đề thời hạn và hạn điền đối với đất nông nghiệp. Thứ hai là cơ chế nhà nước thu hồi đất quá rộng, thậm chí vượt qua cả những quy định của Hiến pháp 1992. Thứ ba là việc phân cấp quản lý và quyền định đoạt về đất đai cho địa phương đang có nhiều ý kiến trái chiều. Tất cả những tồn đọng này đều có liên quan ít nhiều tới khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai. Nói cách khác, những cách hiểu sai ý nghĩa tốt đẹp về sở hữu toàn dân đối với đất đai đã dẫn tới những quy định của pháp luật không phù hợp với cuộc sống.
Thời hạn không phải là công cụ ngăn tiêu cực
Chúng ta đều biết là sự nghiệp Đổi mới đã đạt được thành công ban đầu nhờ tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp bằng chính sách giao đất cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định trong thời hạn 20 năm đối với đất trồng cây hằng năm và 50 năm đối với đất trồng cây lâu năm. Luật Đất đai 1993 đã đưa ra quy định về thời hạn và có thêm quy định rằng khi hết hạn mà sử dụng đất có hiệu quả thì được tiếp tục sử dụng. Khi xây dựng luật Đất đai 2003, câu hỏi “hết thời hạn sẽ làm gì?” được đặt ra và không có câu trả lời. Gần như một nửa số lượng ý kiến muốn kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp tới 50 năm hoặc lâu hơn, thậm chí không thời hạn; còn một nửa số lượng ý kiến muốn chia lại đất khi hết thời hạn. Thảo luận không thống nhất được nên đành để lại vì tới năm 2013 mới hết hạn. Sau khoảng 10 năm thực hiện, hộ gia đình nông dân bắt đầu thấy thời hạn đã ngắn lại và đi dần vào thời điểm hết hạn. Động lực suy giảm dần vì người sử dụng đất không yên tâm đầu tư lớn, đầu tư dài hạn trên đất.
Từ thực tế sử dụng đất, rất nhiều ý kiến cho rằng việc xóa bỏ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng đất yên tâm đầu tư dài hạn, phát triển kinh tế trang trại tạo hiệu quả cao trong sử dụng đất nông nghiệp. Tất nhiên, việc này có thể dẫn tới việc hình thành tầng lớp địa chủ mới thực hiện phát canh thu tô, tăng đầu cơ đất nhưng không sử dụng, còn những người muốn sử dụng thì không có đất. Để khắc phục, ở các nước khác người ta sử dụng các cơ chế đánh thuế cao, sung công đất khi xảy ra 2 hiện tượng tiêu cực trên. Thời hạn không phải là các công cụ có hiệu quả để ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực nói trên.

Được giao đất lâu dài sẽ giúp người dân yên tâm đầu tư canh tác – Ảnh: Diệp Đức Minh
Phân cấp quá mạnh?
Hiện nay, quyền lực quyết định về đất đai và thu lợi từ đất đã được phân cấp hoàn toàn cho UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Việc phân cấp là hoàn toàn đúng vì đất đai luôn gắn với địa phương. Mặt khác, việc phân cấp luôn phải gắn với cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực. Hiện nay, quyền lực quản lý đã phân cấp toàn bộ cho địa phương nhưng hệ thống giám sát vẫn dựa vào báo cáo từ cấp xã lên huyện, huyện lên tỉnh và tỉnh lên trung ương. Lúc này cần một hệ thống giám sát, đánh giá theo hướng cấp trên kiểm soát được việc thực thi quyền lực của cấp dưới. Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra cách làm, thiết kế hệ thống, quy trình thực hiện của hệ thống giám sát, đánh giá mà Việt Nam có thể áp dụng ngay.
Hệ thống giám sát, đánh giá được xây dựng dựa trên nguyên tắc thu nhận được các thông tin thực về thực thi quyền lực tại địa phương. Thông tin này có thể thu nhận từ quá trình triển khai công việc của địa phương, từ quá trình kiểm tra của cơ quan hành chính cấp trên đối với cấp dưới, từ quá trình giám sát của các tổ chức ngoài bộ máy hành chính, từ cộng đồng dân cư, từ người dân và có thể từ các phương tiện công nghệ cao. Phân tích và đánh giá thông tin thu nhận được cho phép kết luận về quá trình thực thi pháp luật ở địa phương. Việc thu nhận thông tin từ người dân theo “đường dây nóng” là một giải pháp khá hiệu quả.
Hệ thống phân cấp quản lý đất đai ở Việt Nam hiện đang giao cho cả cấp tỉnh và cấp huyện, không giống như ở các nước chỉ giao cho một cấp địa phương. Hai cấp quản lý ở địa phương tạo nên tính thiếu thống nhất trong xây dựng hồ sơ quản lý, tạo kẽ hở quản lý trong thực thi công cụ hành chính. Việc phân cấp cho cả cấp huyện ở Việt Nam chỉ vì lý do hạ tầng giao thông quá kém nên gây khó khăn cho dân khi phải lên thủ phủ của tỉnh để làm các thủ tục về đất đai. Xây dựng luật Đất đai lần này nên cân nhắc việc phân cấp quản lý đất đai chỉ cho cấp tỉnh, trước hết có thể áp dụng cho các thành phố trực thuộc trung ương và sau đó từng bước áp dụng cho các tỉnh đủ năng lực quản lý cả đất nông nghiệp và khu dân cư nông thôn. Quá trình phân cấp lại về một cấp tỉnh có tính khả thi cao khi công nghệ thông tin truyền thông được áp dụng rộng rãi trong quản lý đất đai, người dân không phải đi tới thủ phủ của tỉnh để làm các thủ tục cần thiết.
Gốc của các bức xúc về đất đai hiện nay là những tư duy không đúng về chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Ở các nước phát triển, hệ thống pháp luật đều thừa nhận sở hữu đất đai là loại sở hữu đặc biệt, không có sở hữu tư nhân tuyệt đối. Đối với đất đai, quyền định đoạt có một phần thuộc nhà nước và một phần thuộc người đang nắm giữ đất đai, cũng có một phần thuộc cộng đồng (như là quyền địa dịch). Pháp luật đất đai hiện hành của nước ta cũng đã quy định theo hướng này, chỉ có điều quyền định đoạt của nhà nước về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất được áp dụng rộng hơn mức cần thiết, một mặt làm “méo” thị trường và mặt khác gây nguy cơ tham nhũng cao.
Để người giữ đất yên tâm
Xác lập chế độ đa sở hữu về đất đai, trong đó có quyền sở hữu tư nhân về đất đai còn mang ý nghĩa tạo tâm lý yên tâm cho người đang giữ đất. Khi có quyền sở hữu, chủ sở hữu sẽ làm mọi cách để bảo vệ đất đai của mình, yên tâm đầu tư trên đất. Tất nhiên, quyền sở hữu tư nhân về đất đai cũng được hiểu là quyền sở hữu hạn chế vì nhà nước vẫn có quyền định đoạt về quy hoạch sử dụng đất và mục đích sử dụng đất.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120301/ton-dong-nhung-diem-nhay-cam.aspx
Cần sửa đổi gì trong luật Đất đai? – Kỳ 2: Không nên gọi là “thu hồi đất”
02/03/2012 3:47

Mặc dù luật Đất đai 1993 ghi rằng nhà nước thu hồi đất khi thực sự cần thiết để sử dụng vào mục đích vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh, nhưng cơ chế nhà nước thu hồi đất vẫn được áp dụng cho tất cả các loại dự án (DA) trên thực tế. Đây là một mâu thuẫn pháp luật rất tự nhiên vì nhà đầu tư (NĐT) cũng không được phép nhận chuyển quyền sử dụng đất (SDĐ) từ hộ gia đình, cá nhân. Những lời giải thích đành đi theo hướng khuyến khích đầu tư là vì lợi ích quốc gia.

Cần có những đổi mới tích cực để quá trình chuyển dịch đất đai được thuận lợi hơn – Ảnh: Diệp Đức Minh
Chứa nguy cơ tham nhũng
Trong giai đoạn đầu của quá trình khuyến khích đầu tư, nhiều NĐT đã lợi dụng cơ chế này cùng với những mối quen biết để lấy đất của dân nhằm sinh lợi cho mình, chính quyền quyết định thu hồi đất, ai không nghe thì cưỡng chế… Bên cạnh đó, có NĐT thuyết phục dân nhận chuyển nhượng không hợp pháp rồi tới cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất xin làm thủ tục thuê đất của nhà nước. Người đang SDĐ được lợi hơn về giá, NĐT vất vả hơn chút ít nhưng thuận lợi hơn về thủ tục. Cả NĐT và người SDĐ đều muốn pháp luật cho phép được chuyển quyền SDĐ trực tiếp giữa hai bên.
Luật Đất đai 2003 đã giải tỏa khó khăn này. NĐT trong nước được nhận chuyển quyền SDĐ trực tiếp từ người đang SDĐ, tạo nên cơ chế chuyển dịch đất đai tự nguyện. Cơ chế chuyển dịch đất đai bắt buộc dựa trên cơ chế nhà nước thu hồi đất để cho thuê hoặc giao cho các DA đầu tư bị thu hẹp lại, chỉ áp dụng cho các DA SDĐ vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh và các DA đầu tư xây dựng hạ tầng chung, DA có vốn đầu tư lớn thuộc nhóm A, DA có 100% vốn đầu tư từ nước ngoài.
Cách thức tiếp cận đất đai của các DA đầu tư đã rộng mở như vậy nhưng thực tế lại chuyển theo một hướng khác. Cơ chế chuyển dịch đất đai tự nguyện gặp khó khăn. Hầu hết các DA đều gặp phải trường hợp một số người đang SDĐ nói giá đất “trên trời”, không thể đàm phán được và chịu bó tay. Các NĐT lại muốn thay đổi nội dung DA để được hưởng cơ chế nhà nước thu hồi đất. Cơ chế nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch cũng hầu như không được áp dụng vì lý do không có tiền để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hiện nay, hầu hết các DA đầu tư đều thực hiện cơ chế thu hồi đất theo DA với NĐT đã được chỉ định, đang chứa nguy cơ tham nhũng rất cao.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần quay lại chỉ áp dụng một cơ chế nhà nước thu hồi đất để bảo đảm công bằng giữa người được thỏa thuận với NĐT và người nhận bồi thường từ nhà nước khi thu hồi đất. Cũng có ý kiến cho rằng cần đưa về một cơ chế thỏa thuận bước đầu và nhà nước chỉ quyết định thu hồi đất đối với những trường hợp người đang SDĐ đòi hỏi giá đất cao hơn giá thị trường. Để giải quyết những hạn chế hiện nay, cần có những đổi mới tích cực để quá trình chuyển dịch đất đai được thuận lợi hơn, đồng thuận cao hơn và phù hợp cơ chế thị trường hơn.
Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất

Tháng 6 trình Chính phủ dự thảo luật Đất đai
Theo một lãnh đạo của Tổng cục Quản lý đất đai, hiện Ban Soạn thảo sửa đổi, bổ sung luật Đất đai 2003 đang xây dựng dự thảo, đến tháng 6.2012 có thể trình Thủ tướng, trước khi được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8.2012.
Anh Vũ

Trước hết cần chuyển khái niệm “Nhà nước thu hồi đất” thành khái niệm “Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng quyền SDĐ” cho phù hợp với quy định của Hiến pháp (điều 23 của Hiến pháp 1992). Tiếp theo, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc nhà nước chỉ áp dụng cơ chế trưng mua hoặc trưng dụng quyền SDĐ của dân khi thực hiện các DA vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh và các DA vì lợi ích của NĐT đối với phần đất còn lại khi NĐT gặp phải tình trạng người đang SDĐ đòi giá cao hơn giá thị trường. Điều quan trọng hơn là: (1) quy định rõ khái niệm thế nào là vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh để tránh áp dụng lệch lạc ở các địa phương; (2) áp dụng bắt buộc quy trình sử dụng dịch vụ định giá trước khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định và quyết định về giá đất đối với tất cả các DA đầu tư; (3) công khai, minh bạch hoàn toàn quá trình xác định giá đất.
Sự bất cập của cơ chế nhà nước thu hồi đất kéo theo bất cập tiếp theo của việc định giá đất đang rất thiếu khách quan của thị trường như đang diễn ra hiện nay. Nguyên tắc nhà nước quy định, quyết định giá đất phù hợp thị trường không được áp dụng trên thực tế. Đổi mới cơ chế quyết định giá đất là một đòi hỏi bức xúc hiện nay. Cần tách thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể khỏi thẩm quyền của bộ máy hành chính, làm cho giá đất được định khách quan và tránh nguy cơ tham nhũng.
Một bất cập khác là về tính toán giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Giá đất định ra thấp hơn thị trường đương nhiên dẫn tới sự không hài lòng về giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Người bị thu hồi đất buộc lòng phải khiếu nại về sự mất mát quyền lợi chính đáng của mình.
Chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề để trả lời câu hỏi làm thế nào để lần xây dựng luật Đất đai này có được một hệ thống chính sách ổn định trong một giai đoạn dài hơn, cho đến khi đất nước ta trở thành một nước công nghiệp. Từ yêu cầu trên, có thể đưa ra một nguyên tắc nhất quán về lý luận để có một tầm nhìn dài hạn, không rơi vào tình trạng thay đổi pháp luật thường xuyên. Việc xây dựng luật Đất đai phải dựa trên một nền tảng lý luận kinh tế chính trị học nhất quán phù hợp với mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, chi phối chủ trương chung từ sửa đổi, bổ sung hiến pháp tới hình thành các quy định của luật Đất đai, các nghị định của Chính phủ và bảo đảm cơ chế thực thi đầy đủ tại các địa phương.
Một trong những điểm cần lưu ý là nên nghiên cứu tiếp thu những kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật của các nước có hoàn cảnh tương tự, thành quả nghiên cứu chính sách của các tổ chức phát triển quốc tế phù hợp. Hệ thống quản lý đất đai phải chuyển hướng sang một hệ thống quản trị tốt mà nền tảng là tính minh bạch cao hơn, trách nhiệm giải trình của cán bộ quản lý rõ hơn và động viên được sự tham gia của cộng đồng nhiều hơn.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120302/khong-nen-goi-la-thu-hoi-dat.aspx
Cần sửa đổi gì trong luật Đất đai? – Kỳ 3: Điểm nghẽn lớn nhất là quyền sở hữu
03/03/2012 3:57

Trao đổi với Thanh Niên, GS-TS Lê Hồng Hạnh (ảnh), Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất trong luật đất đai hiện hành chính là quyền sở hữu đất đai.

>> Tồn đọng những điểm nhạy cảm (kỳ 1)
>> Không nên gọi là “thu hồi đất” (kỳ 2)
Nếu không xác định rõ được chủ thể sở hữu đất đai một cách cụ thể thay cho chủ thể “toàn dân” như hiện nay thì việc sửa luật sắp tới không mang lại giá trị đột phá.
Theo GS-TS Lê Hồng Hạnh, điều bất cập là trong khi chúng ta không quy định quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai, ít nhất là đối với đất ở của người dân, thì trên thực tế, mảnh đất đó vẫn là tài sản hợp pháp của họ. Chúng ta đã hình thành một thứ quyền pháp lý rất “đặc biệt”, với rất nhiều, nhiều hơn cả quyền sở hữu nhưng lại thiếu đi thứ quyền cốt lõi nhất là quyền định đoạt. Điều đó dẫn tới nhiều bất cập trong việc quản lý, sử dụng, chuyển giao đất đai và từ đó nảy sinh nhiều hệ lụy.

Khi khai thông được điểm nghẽn trong luật Đất đai, Nhà nước sẽ giải quyết được bao nhiêu rắc rối phát sinh từ khiếu kiện đất đai hiện nay – Ảnh: Diệp Đức Minh

Những hệ lụy mà ông muốn nói tới phải chăng là sự phiền toái mà người dân gặp phải mỗi khi muốn giải quyết vấn đề gì liên quan đến mảnh đất mình đang sử dụng, thuộc tài sản của mình, trong khi quyền định đoạt lại phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ, công chức thực thi chính sách pháp luật về đất đai?

Đúng là như vậy. Hệ lụy từ việc chúng ta quy định quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai thể hiện ở việc, một mảnh đất mà người dân được ông cha gây dựng bao đời để lại, đáng lẽ người dân đó được quyền định đoạt mảnh đất của mình, chẳng hạn như để lại thừa kế, chuyển nhượng, góp vốn đầu tư thì lại phải phụ thuộc rất nhiều vào các quy định của cơ quan quản lý nhà nước.

Để minh bạch trong quá trình thực thi pháp luật đất đai, ngoài việc thừa nhận chế độ đa sở hữu về đất đai, cần quy định rõ về quyền hạn quản lý của cơ quan nhà nước đến đâu và chỉ nên luật hóa thay vì để cho các cơ quan quản lý hành chính tự ban hành

Lấy ví dụ một mảnh đất cụ thể cha ông tôi để lại cho tôi, dù đã có sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng khi muốn bán đất, muốn góp vốn, tôi phải xin phép ông phường, ông quận, thậm chí, phải xin phép cả ông… hàng xóm, vì nếu ông hàng xóm không ký vào biên bản mốc giới thì cơ quan có thẩm quyền chẳng chịu xác nhận để tôi có thể định đoạt mảnh đất của mình, chưa nói đến việc có quy hoạch nào đó phủ lên mảnh đất của mình. Lúc đó thì nhiều rắc rối với việc chuyển nhượng mảnh đất này lắm. Rõ ràng đất đó là tài sản của tôi nhưng vì quy định đất đai là sở hữu của toàn dân nên sự can thiệp của cơ quan nhà nước với vô vàn thủ tục rườm rà là không thể tránh.
Thực tế bao nhiêu tranh chấp đất đai, vụ kiện đất đai cũng bắt nguồn từ quy định quyền sở hữu chung chung như vậy. Vì sao có tới hơn 80% vụ khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai? Bởi vì nếu xác định đất ở thuộc quyền sở hữu của một cá nhân cụ thể thì không thể có chuyện chính quyền địa phương nào đó tùy tiện thu hồi để cấp cho doanh nghiệp và trả cho người bị thu hồi một mức đền bù rẻ mạt như cho, mà đúng ra người được quyền sở hữu mảnh đất đó và doanh nghiệp sẽ tự thỏa thuận, định giá và quyết định, trừ việc thu hồi đất đó vì mục đích tối quan trọng như an ninh quốc phòng, xây dựng công trình mục tiêu quốc gia phục vụ cho lợi ích công cộng.
Cho nên điều đầu tiên và quan trọng nhất cần phải sửa đổi khi sửa luật Đất đai chính là phải thay đổi tư duy về quyền sở hữu đất đai và phải xác định rõ chủ thể sở hữu đất theo hướng quy định đất đai thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, song cũng phải thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất ở hợp pháp.

Thưa ông, nếu quy định quyền sở hữu cá nhân đối với đất đai, ít nhất là đối với đất ở như ông nói, Nhà nước có gặp khó trong việc thực hiện vai trò quản lý đối với loại tài nguyên này, hay chỉ một bộ phận cán bộ, công chức bị mất đi cơ hội nhũng nhiễu bởi những quy định bất cập hiện hành của luật Đất đai?
Nhà nước chỉ có lợi, vì khi giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất của pháp luật hiện hành, Nhà nước sẽ giải quyết được bao nhiêu rắc rối nảy sinh từ khiếu kiện đất đai hiện nay. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào ổn định xã hội và phát triển đất nước. Đồng thời, làm được như vậy cũng sẽ giảm mạnh được nguy cơ tham nhũng, lũng đoạn của nhiều cán bộ, quan chức hiện nay. Tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai đang là điển hình, phổ biến nhất.
Nhưng muốn làm được như vậy, không chỉ sửa luật về vấn đề quyền sở hữu. Luật sửa đổi cũng phải quy định rõ các điều kiện chặt chẽ liên quan đến quyền sở hữu đất, quyền sử dụng theo hướng đơn giản hóa, minh bạch để tránh tùy tiện trong áp dụng, có lợi cho cơ quan quản lý và đẩy cái khó cho người dân. Nếu không thay đổi được những vấn đề căn bản nói trên, việc sửa đổi luật Đất đai tới đây cũng chẳng thay đổi được những bất cập hiện nay.

Việc có quá nhiều văn bản pháp luật về đất đai dẫn tới có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau ở đội ngũ cán bộ, công chức thực thi. Cùng với việc sửa luật Đất đai lần này, chúng ta có nên “tinh gọn” các văn bản hướng dẫn và thống nhất một đầu mối giải quyết về thủ tục liên quan đến đất đai cho người dân?
Đó là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng như Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan gác cổng cho Chính phủ và Quốc hội cần giúp khắc phục hệ thống pháp luật đất đai rối rắm như hiện nay. Đây cũng chính là kẽ hở cho tham nhũng. Qua vụ Tiên Lãng, chúng ta cũng đã thấy được khá rõ những bất cập của hệ thống pháp luật đất đai hiện hành. Và xin nhấn mạnh Tiên Lãng chỉ là một trong những tảng băng bị trồi lên thôi. Để minh bạch trong quá trình thực thi pháp luật đất đai, ngoài việc thừa nhận chế độ đa sở hữu về đất đai, cần quy định rõ về quyền hạn quản lý của cơ quan nhà nước đến đâu và chỉ nên luật hóa thay vì để cho các cơ quan quản lý hành chính tự ban hành. Phần đất đai thuộc sở hữu nhà nước vẫn vô cùng lớn, vẫn là nguồn lực không gì so sánh của quốc gia nên việc quản lý nó đòi hỏi những nỗ lực hoàn thiện lớn hơn những gì hiện đang có trong tư duy của các nhà làm luật và xây dựng chính sách.
Quyền sở hữu về đất đai là vấn đề vô cùng hệ trọng đối với người dân. Trước nhiều luồng quan điểm trái ngược hiện nay về quyền sở hữu đất đai, Nhà nước có nên lấy ý kiến phúc quyết của dân về vấn đề này khi sửa đổi Hiến pháp 1992 sắp tới?
Nếu mạnh dạn, chúng ta hãy đưa ra lấy ý kiến nhân dân về quyền sở hữu cá nhân đối với đất, ít nhất là đối với đất ở. Không có lý gì không lấy ý kiến phúc quyết của dân về vấn đề lớn như thế này. Làm được thế mới thực sự là dân chủ. Điều mà tôi thấy hiện nay là Đảng chưa thực sự mạnh dạn, Quốc hội chưa thực sự kiên quyết trong việc lấy ý kiến nhân dân những vấn đề then chốt liên quan đến đời sống của người dân. Năm 1946, khi đất nước vừa hình thành, chính quyền còn đang non trẻ, có thể nói rất yếu và vô cùng mong manh trước các thế lực thù địch, nhưng Bác Hồ vẫn tin vào sự lựa chọn của dân và đã đưa quyền phúc quyết của nhân dân vào Hiến pháp 1946. Nếu không có sự xâm lược của Pháp thì Bác Hồ đã cho phúc quyết nhiều vấn đề lớn. Tại sao ở thời điểm chính quyền chúng ta mạnh thế này, dân trí cao như thế này mà những vấn đề thực sự gắn với lợi ích của người dân, gắn với lợi ích thực sự của đất nước, chúng ta lại không đưa ra để dân phúc quyết?
Bảo Cầm (thực hiện)
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120302/can-sua-doi-gi-trong-luat-dat-dai-ky-3-diem-nghen-lon-nhat-la-quyen-so-huu.aspx
Đã đến lúc bỏ chính sách hạn điền
04/03/2012 3:42

Khi xây dựng luật Đất đai năm 2003, quan điểm của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bỏ hạn điền. Nhưng nội dung này không được chấp nhận ở Quốc hội.
Ngăn chặn hình thành “địa chủ mới”
Hạn điền là một chính sách đất đai quan trọng của các triều đại phong kiến trước đây nhằm hạn chế khả năng chiếm giữ nhiều đất đai của giai cấp địa chủ, bảo vệ đất đai của nhà vua. Mọi vua đều muốn chứng minh tính độc quyền về đất đai của mình.
Nhà nước ta đã thực hiện cải cách ruộng đất trong giai đoạn 1953 – 1956, xóa đi toàn bộ giai cấp địa chủ, lấy ruộng đất của địa chủ chia đều cho dân cày. Mặc dù cải cách ruộng đất có một số sai sót nhưng đã đạt được hoàn toàn mục đích nêu trong khẩu hiệu “người cày có ruộng” của Đảng ta. Nhưng rồi mô hình hợp tác xã đã mất dần động lực, năng suất và sản lượng nông nghiệp giảm nhanh, nước ta rơi vào tình trạng thiếu lương thực trong những năm giáp giai đoạn đầu Đổi mới (1982 – 1988).
Thành công đầu tiên của sự nghiệp Đổi mới là chính sách giao lại ruộng đất của hợp tác xã cho hộ gia đình để sử dụng ổn định lâu dài. Người nông dân lại có đất sau cuộc cải cách lần thứ hai này. Lập tức năng suất và sản lượng lương thực tăng lên vùn vụt, không chỉ đưa người nông dân thoát đói mà còn đưa nước ta lên nhóm đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Khi luật Đất đai 1993 thể chế hóa việc nhà nước giao đất cho hộ gia đình và cho phép thực hiện quyền chuyển nhượng thì Chính phủ đã nghĩ ngay tới chính sách hạn điền trước đây với mục tiêu ngăn chặn tầng lớp “địa chủ mới” hình thành và lớn lên. Nghị định 64/CP ngày 27.9.1993 của Chính phủ đã quy định mức hạn điền là 3 ha tại các tỉnh thuộc Nam bộ và 2 ha tại các nơi khác đối với đất trồng cây hằng năm; 10 ha tại các xã đồng bằng và 30 ha tại các xã trung du, miền núi đối với đất trồng cây lâu năm (điều 5).
Trên thực tế, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước đã đặt ra yêu cầu giảm dân số trong khu vực nông thôn. Hiện nay, cơ cấu dân số ở ta là nông thôn 70%, đô thị 30%. Khi nước ta thành một nước công nghiệp thì tỷ lệ trên sẽ đảo ngược lại, nông thôn 30%, đô thị 70%. Điều này có nghĩa là ai còn ở lại khu vực nông thôn thì người đó phải là các gia đình chí thú làm nông nghiệp. Những gia đình đó phải có đất rộng, thời gian sử dụng dài mới có thể tính tới đầu tư lớn, đầu tư chiều sâu về thủy lợi, giao thông, cơ khí, điện, sinh học… trên cánh đồng của mình. Cơ sở sản xuất nông nghiệp hiện đại phải dựa trên mô hình trang trại, lúc đầu có thể nhỏ, rồi lợi ích từ sản xuất giúp họ mở rộng thêm đất đai. Họ nhận chuyển nhượng thêm đất của những người có điều kiện chuyển công việc lên đô thị. Năng suất và sản lượng nâng lên rất cao sẽ làm thu nhập ở nông thôn không thua kém gì ở đô thị.
Muốn tạo được ngữ cảnh phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân như vậy, cần phải loại đi sự manh mún ruộng đất. Tức là, phải xóa bỏ chính sách hạn điền hoặc ít nhất nếu có dùng cũng phải mở hạn mức ra rất rộng.

Đất trồng lúa của người dân hiện phân tán manh mún – Ảnh: Diệp Đức Minh
Đừng để người nông dân cô đơn
Khi xây dựng luật Đất đai 2003, Ban Chỉ đạo đã thống nhất chuyển hạn điền theo quy định của Nghị định 64/CP thành hạn mức giao đất của nhà nước và không có quy định gì thêm. Điều này có nghĩa là luật chỉ quy định rằng nhà nước có sức giao đất (không thu tiền) đến vậy thôi, không có hơn; ai muốn có hơn thì phải lo làm ăn để có tiền nhận chuyển nhượng của những người không còn “say mê” nông nghiệp nữa và cũng không có hạn mức diện tích được nhận chuyển nhượng. Chính phủ xem xét cũng đồng ý cách giải quyết như vậy, tức là đồng ý xóa bỏ hạn điền. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý như vậy.
Thế nhưng, khi thảo luận dự thảo luật Đất đai ở Quốc hội, một đại biểu Quốc hội đã sử dụng tri thức lịch sử để nghi ngại rằng không thể bỏ được hạn điền vì các triều đại phong kiến trước đây chưa vua nào dám bỏ. Chỉ một ý kiến thôi cũng làm cho Chủ tịch Quốc hội lúc đó phân vân mà chỉ đạo cần phải bổ sung hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Thế là điều 71 phải thêm vào khoản 3 “Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân do Chính phủ trình UBTV Quốc hội quyết định”. Việc đổi mới lại bị chậm lại 10 năm.
Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành từ 1.7.2004, nhưng mãi tới 21.6.2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới thông qua được Nghị quyết số 1126/2007/NQ-UBTVQH11 quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp với mức khoảng gấp đôi hạn mức giao đất của nhà nước. Ngoài ra, điều 3 của nghị quyết nói rằng ai đã nhận chuyển nhượng chính thức trước ngày nghị quyết có hiệu lực thi hành thì không bị coi là vượt hạn điền. Thú vị hơn, nghị quyết không có bất cứ một quy định nào về việc xử lý những người sử dụng đất vượt hạn điền. Tất nhiên, những người nông dân bạo gan nhận chuyển nhượng vượt hạn điền vẫn cứ lo lắng vì e rằng đến một ngày nào đó, có một quy định nào đó nói rằng phải thu hồi lại đất sử dụng vượt hạn điền thì họ sạt nghiệp.
Hiện nay, nước ta có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 10 triệu ha với khoảng 70 triệu thửa đất và gần 14 triệu hộ nông dân. Mỗi hộ gia đình có tới cỡ trên một chục thửa đất nhỏ. Sự manh mún như vậy là hệ quả của quá trình giao đất trước đây cho hộ gia đình trên nguyên tắc công bằng “có tốt, có xấu, có gần, có xa”. Ngữ cảnh này là một rào cản lớn cho sự phát triển nông nghiệp. Theo số liệu năm 2006, cả nước có 70,4% số hộ có tổng diện tích đất dưới 0,5 ha, 3,5% có diện tích trên 3 ha. Mức độ manh mún của vùng đồng bằng sông Hồng còn mạnh hơn, 94,3% số hộ có tổng diện tích dưới 0,5 ha. Nhà nước cũng hỗ trợ rất nhiều cho dồn điền, đổi thửa để thửa đất rộng hơn nhưng kết quả cũng chưa được là bao.
Sự thực, chúng ta có một nhầm lẫn rất lớn, đó là mặc nhiên coi hạn điền là chính sách duy nhất để ngăn chặn tình trạng người không trực tiếp sản xuất bỏ tiền mua đất để bóc lột người trực tiếp sản xuất nhưng không có đất. Chúng ta có nhiều chế tài khác để chặn được tình trạng tiêu cực này. Đánh thuế cao vào người có nhiều đất nhưng không trực tiếp sản xuất; tịch thu, sung công đất khi có hành vi phát canh thu tô. Chỉ lo ngại rằng chính quyền địa phương không quyết tâm ngăn chặn việc hình thành địa chủ mới. Trong thời đại công nghiệp hiện nay, nếu địa chủ mới có hình thành thì cũng sẽ núp dưới dạng chủ một doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân.
Giải pháp tốt nhất trong luật Đất đai mới là hãy bỏ quy định về hạn điền để tạo điều kiện cho người sử dụng đất yên tâm đầu tư dài hạn, phát triển kinh tế trang trại nhằm nâng cao năng suất và sản lượng. Nhà nước cần hỗ trợ nông dân về vốn, công nghệ, quản lý, thông tin và tiếp cận thị trường. Hãy để người nông dân trực tiếp sản xuất làm chủ cánh đồng của mình, làm cho mỗi tấc đất nông nghiệp cũng là một tấc vàng. Đừng để người nông dân cô đơn với những tư duy ngắn hạn.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120304/da-den-luc-bo-chinh-sach-han-dien.aspx
Cần nâng mức hạn điền
08/03/2012 3:36

Ông Đào Trung Chính – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai – tại cuộc họp báo của Bộ Tài nguyên – Môi trường ngày hôm qua nói rằng trong dự thảo sửa đổi luật Đất đai, mức hạn điền cần được nâng lên.

Thời hạn sử dụng và quyền sở hữu đất trong dự thảo sửa đổi luật Đất đai đang là vấn đề được dư luận quan tâm đặc biệt – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Người dân không quan tâm quyền sở hữu?
Ông Chính cho rằng khái niệm sở hữu là câu chuyện của các nhà quản lý chứ người dân không quan tâm. “Cái họ quan tâm là có được sử dụng đất lâu dài hay không. Khi nhà nước lấy đất thì bồi thường như thế nào hoặc khi họ có nhu cầu thì có được chuyển nhượng, thế chấp không, dưới hình thức nào?”, ông Chính nói.

Qua tổng kết thi hành luật Đất đai 2003, đến hết 2011 cơ quan quản lý đã cấp hơn 35 triệu giấy chứng nhận sử dụng đất với diện tích 20 triệu héc ta. Trong đó, tỷ lệ cấp đô thị chiếm 63,3% tổng số đất đô thị, tương tự khu vực nông thôn 82,1%, đất chuyên dùng 60,5%, đất sản xuất nông nghiệp hơn 82%…

Theo ông, ở Việt Nam, người dân có hết các quyền đối với đất ở, như vậy về mặt lý luận không khác gì so với sở hữu tư nhân. Còn với đất nông nghiệp, đất rừng được giao 20 hay 50 năm, hết thời hạn nếu người dân muốn tiếp tục sử dụng với mục đích làm nông, trong khi nhà nước không có nhu cầu thu hồi thì đương nhiên người dân được gia hạn. “Như vậy, sở hữu gì không quan trọng, quan trọng là nội dung bên trong. Còn kể cả có sở hữu tư nhân về đất đai nhưng nhà nước cần lấy đất cho quốc phòng, an ninh thì người dân vẫn phải chấp nhận. Đương nhiên, khi nhà nước lấy đất của tư nhân thì phải bồi thường cho thỏa đáng”, ông Chính lý giải.
Đối với vấn đề hạn điền, ông Chính cho biết quan điểm của Bộ Tài nguyên – Môi trường là phải nâng hạn mức hiện nay lên để có thể phát triển sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa. Để tránh trường hợp tích tụ ruộng đất với mục đích đầu cơ, phát canh thu tô, ông Chính cho rằng cần dùng chính sách thuế lũy tiến đánh vào những người có nhiều đất. “Hiện chúng ta đang quy định hạn điền khác nhau ở các vùng, miền nhưng theo tôi chỉ cần chung một mức mà thôi. Còn mức độ cụ thể bao nhiêu cần phải nghiên cứu thêm cho phù hợp”, ông Chính nói thêm.
Cho rằng các nội dung trong dự thảo sửa đổi luật Đất đai như sở hữu, hạn điền, thời hạn giao đất… đều là vấn đề nhạy cảm nên ông Bùi Sĩ Dũng – Vụ phó Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên – Môi trường) – khẳng định Ban soạn thảo chỉ làm nhiệm vụ tổng hợp ý kiến rồi trình Chính phủ, sau đó trình Bộ Chính trị kết luận. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định, quá trình tổng kết luật Đất đai cũ cho thấy hệ thống pháp luật và văn bản sau luật quá nhiều, quá trình vận hành và áp dụng không được tốt.
Về tiến độ thực hiện, ông Chính cung cấp thêm thông tin, hiện đang đi theo đúng kế hoạch, sẽ trình dự thảo vào tháng 6.2012, sau đó trình UBTVQH vào tháng 8.2012. Về dự thảo luật có xin ý kiến của người dân để phúc quyết hay không, ông Chính cho biết, đối với luật Đất đai lần nào sửa cũng phải trình qua 2 kỳ họp Quốc hội. Lần thứ nhất trước khi trình phải lấy ý kiến của nhân dân, trên cơ sở đó mới trình ra QH lần 2 để thông qua.
Kéo dài thời hạn đến 2033

Liên quan tới vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng), ông Bùi Sĩ Dũng cho biết hiện Bộ Tài nguyên – Môi trường đang soạn công văn để xử lý vụ việc của gia đình ông Đoàn Văn Vươn nói riêng và các hộ nuôi trồng thủy sản khác nói chung. Việc này phải căn cứ vào quyết định giao đất của địa phương. “Các quyết định có cái đúng, có cái sai hoặc sai một phần vì đất giao cả trước và sau thời điểm luật Đất đai 1993 có hiệu lực. Hướng xử lý đối với các quyết định sai thì thu hồi hết”. Hiện tại, Bộ đã yêu cầu các tỉnh, địa phương khác báo cáo về tình hình quản lý đất bãi bồi ven sông, ven biển. Bộ sẽ cử các đoàn về công tác địa phương, sẽ có giải pháp giải quyết trọn gói gắn với gia hạn đất nông nghiệp.

Liên quan đến thời hạn sử dụng đất chỉ còn hơn 1 năm nữa sẽ hết hạn, ông Chính cho biết nhà nước sẽ không thu hồi lại toàn bộ đất nông nghiệp đã giao khi hết thời hạn vào 10.2013 để chia lại mà sẽ tiếp tục kéo dài thời hạn sử dụng cho hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu, thời hạn kéo dài thêm là 20 năm.
Cụ thể, theo luật Đất đai 1993, các hộ gia đình và cá nhân được giao đất, cho thuê đất nông nghiệp chỉ có thời hạn 20 năm, tức từ 15.10.1993 và hạn cuối cùng vào 15.10.2013. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của Chính phủ cũng như quy định của luật Đất đai 2003, người dân sẽ tiếp tục được gia hạn, nhưng căn cứ trên từng trường hợp.
Đối với các hộ gia đình và cá nhân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối… sẽ tự động được gia hạn đến năm 2033, người dân chỉ cần mang giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng ra cơ quan quản lý đất đai làm thủ tục gia hạn.
Đối với loạt đất khác, trước thời điểm kết thúc thời hạn sử dụng đất 6 tháng, nếu có nhu cầu người sử dụng đất làm đơn gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để xem xét, giải quyết. Với trường hợp người sử dụng đất không có nhu cầu tiếp tục, nhà nước sẽ thu hồi để chia cho các hộ và gia đình khác.
Anh Vũ
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120308/can-nang-muc-han-dien.aspx

Single Post Navigation

Bình luận về bài viết này